Trong những ngày giáp Tết Nguyên đán, nhu cầu hoạt động vui chơi, ca hát... tăng cao hơn so với ngày thường. Trên phố, trong hẻm, nhiều nhóm người tụ tập kèm chiếc loa "kẹo kéo" và hát say sưa. Những cuộc vui này khiến những người sống xung quanh phải chịu cảnh "ô nhiễm tiếng ồn". Đình Long, sống tại quận Bình Thạnh (TP HCM) cho biết, những ngày gần đây, anh và mẹ luôn bị làm phiền và không thể ngủ được do hàng xóm karaoke. Sau nhiều lần thuyết phục không thành, thậm chí nhờ đến công an địa phương, tình hình không khả quan, anh Long được một người bạn chỉ cho việc phá sóng karaoke bằng thiết bị mua trên mạng.
Một thiết bị gây nhiễu sóng Wi-Fi được bán trên website thương mại điện tử. |
Trên mạng xã hội, đặc biệt là Facebook, không ít chủ đề về máy gây nhiễu và phá sóng được thảo luận với lượt tương tác rất cao. Bên cạnh đó, các video về máy gây nhiễu, phá sóng cũng xuất hiện nhiều trên YouTube, bao gồm các clip giới thiệu cũng như hướng dẫn lắp ráp. Vào Google, chỉ cần gõ từ khóa liên quan đến thiết bị phá sóng karaoke, có khoảng gần hai triệu kết quả, cho thấy loại máy này đang nhận được sự quan tâm lớn.
Việc mua linh kiện và máy gây nhiễu, phá sóng ở Việt Nam rất dễ. Trên một website thương mại điện tử của Trung Quốc có hỗ trợ vận chuyển về Việt Nam, người dùng có thể mua loại thiết bị này chỉ với giá bán từ 10 đến 15 USD cho một bộ cơ bản có độ phủ 3 - 5 mét. Nếu cần tầm phát xa hơn, người mua cần bỏ thêm khoảng 10 đến vài chục USD để mua bộ khuếch đại sóng. Một số trang còn có cả bộ ăng-ten định hướng sóng để tránh việc "phá nhầm" mạng Wi-Fi gia đình với giá từ 15 USD.
Không chỉ các trang nước ngoài, một số website trong nước cũng bán các loại máy gây nhiễu, phá sóng đã lắp ráp hoàn chỉnh, bao gồm phá sóng Wi-Fi, Bluetooth, GPS... với giá từ 1,5 triệu đến hàng chục triệu đồng. Mặt hàng này còn được bán tràn lan trên mạng xã hội, thậm chí kèm cả dịch vụ lắp đặt và hướng dẫn sử dụng tại nhà.
Anh Nguyễn Đại, một kỹ thuật viên sửa chữa thiết bị vô tuyến tại TP HCM, cho biết, các loại micro không dây thông thường sẽ hoạt động với băng tần VHF (150 - 216 MHz) với vùng hoạt động 50 mét. Loại cao cấp hơn dùng băng tần UHF thấp (UHF low-band, 450 - 600 MHz) và UHF cao (UHF high-band, 806 - 950 MHz) với phạm vi kết nối xa hơn. VHF chủ yếu dành cho các dàn máy cỡ nhỏ, trong khi UHF dành cho dàn ở sân khấu cỡ lớn hơn, cần tầm kết nối xa. Loa "kẹo kéo" đời mới kết nối với micro thông qua Bluetooth, hoạt động ở tần số 2,4 - 5 GHz và đây cũng là dải tần của Wi-Fi và nhiều thiết bị không dây khác. "Máy phá sóng dùng cho loa kẹo kéo sẽ gây nhiễu dải tần này, qua đó khiến kết nối giữa micro và loa bị ảnh hưởng. Nó cũng khiến sóng Wi-Fi bị chập chờn, từ đó làm cho thiết bị dùng để hát như smartphone, máy tính bảng... kết nối không ổn định, gây ức chế cho đối phương", anh Đại giải thích.
Theo anh Đại, những thiết bị trên không chỉ phá các loại sóng từ loa Bluetooth, mà còn khiến tín hiệu liên quan đến định vị GPS, mạng di động 3G, 4G và các loại máy thu phát sóng khác ảnh hưởng. "Đây là điều thực sự nguy hiểm, bởi nó có thể khiến những thiết bị chuyên dụng như thiết bị ghi lại hành trình xe (hộp đen), định vị GPS của xe hay camera quan sát dùng Wi-Fi bị gián đoạn", anh Đại nói.
Linh kiện sử dụng để lắp ráp thiết bị gây nhiễu sóng mua bán dễ dàng trên các trang thương mại điện tử nước ngoài tại Việt Nam. |
Theo luật sư Bùi Quốc Tuấn Trung tâm dịch thuật thuộc Đoàn Luật sư TP HCM, dựa trên Khoản 7, Điều 13 Nghị định 96/2014/NĐ-CP về điều kiện an ninh, trật tự đối kinh doanh các thiết bị gây nhiễu, phá sóng thông tin di động: Chỉ cơ sở thuộc Bộ Quốc phòng và Bộ Công an mới được kinh doanh thiết bị gây nhiễu, phá sóng thông tin di động. Trong khi đó, Khoản 19 Điều 3 Nghị định 96/2016/NĐ-CP cũng quy định những ai mua các thiết bị phá sóng cần phải được sự chấp thuận của Bộ Quốc Phòng và Bộ Công an.
Theo luật sư Tuấn, nếu mua các thiết bị phá sóng và dùng nó để tác động đến máy hát karaoke không dây của người khác là vi phạm Nghị định 96/2014/NĐ-CP, trừ khi có giấy phép của Bộ Quốc Phòng và Bộ Công an. Tùy theo mức độ và hành vi, người vi phạm có thể bị phạt từ 2 đến 50 triệu đồng. Ngoài ra, những thiết bị vi phạm sẽ bị tịch thu.
Mới đây, UBND TP HCM cũng đã gửi yêu cầu đến Sở, ngành, đơn vị trên địa bàn phải kiểm soát hiệu quả việc nhập khẩu, kinh doanh, quản lý, sử dụng thiết bị gây nhiễu, phá sóng. Riêng Sở Công thương kiểm tra và xử lý những trường hợp buôn bán, sử dụng các loại máy phá sóng lậu, kể cả các trang thương mại điện tử. Tuy nhiên, đến nay, những mặt hàng này vẫn xuất hiện trên các trang mua bán online hay hội nhóm bán hàng trên mạng xã hội.
Bảo Lâm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét